Huyện Năm Căn
Huyện Năm Căn được chia tách từ huyện Ngọc Hiển, đi vào hoạt động ngày 01/01/2004. Diện tích tự nhiên 495,40 km², chiếm 9,36% diện tích của tỉnh Cà Mau. Huyện Năm Căn có phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp Vịnh Thái Lan, phía nam giáp huyện Ngọc Hiển, phía bắc giáp huyện Phú Tân, Cái Nước, Đầm Dơi.
Khu đô thị Năm Căn. Ảnh: Huỳnh Lâm
Đơn vị hành chính có 07 xã, 01 thị trấn, gồm: Hiệp Tùng, Tam Giang, Lâm Hải, Đất Mới, Hàng Vịnh, Tam Giang Đông, Hàm Rồng và thị trấn Năm Căn. Thị trấn Năm Căn đã được công nhận là đô thị loại 4 vào năm 2012 và là 1 trong 3 đô thị động lực của tỉnh.
Đến năm 2019, dân số có 15.702 hộ, 56.813 người, chiếm 5,14% dân số của tỉnh. Trong đó, có 29.123 nam và 27.690 nữ; 55.321 người dân tộc Kinh và 1.492 người dân tộc khác.
Ở khu vực thành thị có 4.643 hộ, với 16.477 người. Ở khu vực nông thôn có 11.059 hộ, với 40.336 người.
Cầu Năm Căn, cây cầu lớn nhất trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ảnh: Ngọc Thu.
Thế mạnh kinh tế của Năm Căn là thủy sản, thương mại và dịch vụ. Hiện nay, Năm Căn đang phát triển mạnh các dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ra, huyện chú trọng phát triển dịch vụ giao thông vận tải, hệ thống nhà hàng khách sạn, khu công nghiệp cùng dịch vụ du lịch sinh thái để phục vụ du khách.
Theo quy hoạch, Năm Căn sẽ trở thành đô thị đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Đất Mũi Cà Mau phát triển. Ngoài ra, địa phương cũng đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển Khu kinh tế Năm Căn trở thành Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành gồm khu phi thuế quan (công nghiệp – thương mại – dịch vụ) và khu thuế quan (đô thị, nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao, dịch vụ du lịch sinh thái và các trung tâm tiếp vận của vùng); là đầu mối giao thương phía Nam của tỉnh Cà Mau, Đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế.