Điều kiện kinh tế - Xã hội

Lâm nghiệp

14/08/2022 10:47:59 AM
Màu chữ Cỡ chữ
Đến năm 2021, tỉnh Cà Mau có diện tích rừng tập trung 94.319 ha; tỷ lệ che phủ rừng 25,81%, chủ yếu là rừng ngập nước. 
 


Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: Văn Đời.
 
Tỉnh Cà Mau có 3 loại rừng chính:

- Rừng ngập mặn (rừng đước), tập trung ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân.

- Rừng ngập lợ (rừng tràm U Minh) tập trung ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình.

- Ngoài ra, trên các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc với nhiều loại gỗ quý và động vật sinh sống dưới tán rừng.
 


Rừng tại Cà Mau chủ yếu là rừng ngập nước. Ảnh: Văn Đời.
 
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và khu vực rừng phòng hộ ven biển Tây đã được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển của thế giới. Trong đó, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã được công nhận là khu Ramsar 2088 của thế giới vào năm 2013. Hiện tại khu vực này đang được tích cực gìn giữ và bảo tồn hệ sinh thái rừng.
 
Năm 2021, diện tích khai thác rừng là 3.126,5 ha, sản lượng 276.813 m3 gỗ. Tổng hợp thu nhập kinh tế nguồn lâm sản, lâm sản ngoài gỗ từ các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp đạt hơn 1.146 tỷ đồng (trong đó, lâm sản đạt hơn 268 tỷ đồng). Tỉnh đã có nhà máy chế biến lâm sản có tổng công suất thiết kế lên đến 200.000 m3 nguyên liệu/năm. Trong đó, chế biến gỗ thành phẩm bao gồm các loại sản phẩm như ván ghép thanh, ván MDF chủ yếu xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Mỹ và và sản xuất than viên nén. Nguồn nguyên liệu chế biến gỗ chủ yếu là keo lai, tràm bông vàng. Toàn tỉnh có trên 181 cơ sở mua bán chế biến gỗ nằm rãi rác trên các huyện, một số công ty nhà máy của khu vực phụ cận như Nhà máy gỗ MDF VRG Kiên Giang, Nhà máy Vina Ecoboad của Tập đoàn Sumitomo – Nhật Bản, Công ty Thúy Sơn…
 


Thu hoạch tràm tại U Minh. Ảnh: Văn Đời.
 
Mô hình trồng rừng thâm canh trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Khu vực U Minh Hạ có tổng diện tích trồng thâm canh 22.400 ha (rừng keo lai 9.900 ha; tràm bản địa 12.500 ha), mang lại hiệu quả tích cực. Diện tích trồng rừng mới năm 2021 đạt 300 ha/chỉ tiêu được giao 300 ha, đạt 100% chỉ tiêu. Trồng cây phân tán 2.800.000 cây, đạt 100% kế hoạch. Hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư trồng rừng (chủ yếu là cây keo lai). 
 


Nhiều mô hình sản xuất kết hợp dưới tán rừng đem lại hiệu quả cao cho người dân. Ảnh: Văn Đời.
 
Năm 2021, trồng rừng sau khai thác được 3.874 ha/3.913 ha, đạt 99% kế hoạch. Trồng rừng thay thế 6 ha, đạt 100% kế hoạch. Khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ rất xung yếu 29.200,9 ha, đạt 100%. Khoán bảo vệ rừng rừng phòng hộ xung yếu 18.356 ha, đạt 100% Tỉnh Cà Mau được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn trong phát triển trồng rừng gỗ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, và là tỉnh phát triển rừng bền vững.
 
Bên cạnh việc khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên của rừng, tỉnh chú trọng bảo vệ các khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn quốc gia, khu Ramsar, khu bảo tồn, rừng phòng hộ. Tỉnh đã thực hiện cơ chế mới về quản lý rừng và đất lâm nghiệp theo hướng giao đất, khoán rừng đến hộ gia đình. Đối với rừng tràm, rừng đước chuyển từ khai thác sang chăm sóc, tỉa thưa, bảo vệ, trồng mới.
 


Những năm gần đây, mô hình du lịch trải nghiệm dưới tán rừng phát triển khá mạnh. Ảnh: Bích Ngọc.
 
Ngoài chức năng phòng hộ và bảo tồn thiên nhiên, ngành lâm nghiệp của tỉnh Cà Mau cũng đóng góp nhất định vào tăng trưởng kinh tế và tăng thêm thu nhập cho người dân sản xuất nghề rừng. Trong những năm gần đây, ngành lâm nghiệp đã có nhiều khởi sắc, xuất hiện nhiều mô hình trồng rừng thâm canh mang lại hiệu quả cao đó là trồng cây keo lai, cây tràm cừ…bằng hình thức thâm canh, kê líp; giá bán lâm sản có xu hướng cao hơn so với những năm trước, lợi nhuận từ khai thác lâm sản của các hộ dân được giao đất rừng, nhận khoán đất lâm nghiệp đã tăng lên đáng kể, khuyến khích người dân trồng rừng, bảo vệ rừng tốt hơn. Sản phẩm lâm nghiệp được khai thác chủ yếu ở rừng Cà Mau là củi, gỗ. 
Bích Ngọc

Các tin khác

  • (15/08/2022)
  • (15/08/2022)
  • (26/10/2019)
  • (25/10/2019)
  • (24/10/2019)
  • (24/10/2019)
  • (24/10/2019)
  • (24/10/2019)
  • Trang đầu 1 Trang cuối