Điều kiện tự nhiên

Tài nguyên nước

06/10/2022 03:45:45 PM
Màu chữ Cỡ chữ

Cà Mau có 03 nguồn nước chủ yếu có mối quan hệ chặt chẽ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình khai thác sử dụng đất gồm: Nước mưa, nước mặn và nước ngầm.
 

Vào mùa. Ảnh: Huỳnh Lâm.
 

Nước mưa: Là nguồn nước ngọt, hàng năm nước mưa cung cấp từ 6 - 10 tỷ m3 nước. Nước mưa được trữ lại tại các kênh mương vùng ngọt hóa trong mùa mưa và tạo thành các vùng nước ngọt trong khu vực, hiện tại nguồn nước này chủ yếu còn lại ở khu vực rừng tràm U Minh Hạ, vùng sản xuất nông nghiệp phía Bắc huyện Trần Văn Thời và huyện Thới Bình. Đây là nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và một phần cho sinh hoạt, nhờ đó có một số diện tích có thể sản xuất lúa 2 vụ, rau màu thực phẩm, cây công nghiệp. Diện tích vùng này trong những năm qua ngày càng bị thu hẹp.
 

Nước mưa chủ yếu còn lại ở khu vực rừng tràm U Minh Hạ.
 

Nước mặn: Đây là nguồn nước được đưa vào từ biển hoặc được pha trộn với nguồn nước mưa. Nước mặn không thích hợp đối với cây con nước ngọt, ngược lại nước mặn lại là nguồn tài nguyên để phát triển nuôi trồng thủy sản, làm muối, phát triển rừng ngập mặn...Trên thực tế ngành thủy sản đã và đang là ngành kinh tế mũi nhọn có những đóng góp lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau trong những năm vừa qua.
 

Nước mặn thích hợp cho nuôi trồng thủy sản. Trong ảnh: mô hình nuôi hàu lồng trên sông ở huyện Ngọc Hiển.
 

Trong mùa khô, độ mặn nước sông và nước trong các ruộng tôm tăng cao, thường ở những vùng cửa sông nước có độ mặn cao hơn, càng sâu vào trong nội đồng độ mặn càng giảm. Trái lại vào mùa mưa, độ mặn giảm nhanh (cả nước sông và trong các đầm nuôi tôm). Do đó, một số vùng có điều kiện rửa mặn, giữ ngọt tốt có thể sản xuất luân canh một vụ lúa trên đất nuôi tôm trong mùa mưa.
 

Khai thác nước ngầm ở Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm.
 

Nước ngầm: Đây là nguồn nước sạch quan trọng cho sinh hoạt dân cư và chế biến nông sản, nếu không quản lý khai thác và bảo vệ tốt thì trong tương lai Cà Mau sẽ mất đi nguồn tài nguyên quý giá và quan trọng này.

Theo kết quả điều tra của Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Nam, nước ngầm ở tỉnh Cà Mau có trữ lượng lớn, chất lượng đảm bảo cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Có 07 tầng chứa nước dưới đất theo thứ tự như sau: Toàn bộ nước ngầm từ tầng II đến tầng VI là nước ngầm có áp, miền cấp bổ sung được xác định là từ miền cấp Đông Nam Bộ và từ phía bên Campuchia. Tầng VII: Nước ngọt tầng này mới gặp khi khoan ở đảo Hòn Khoai, có độ sâu 372 m đến 413 m, nước tầng này không có áp.
 

Môi trường sạch – phát triển nghề nuôi tôm. Ảnh: Huỳnh Kim Hải.
 

Tổng trữ lượng tiềm năng khai thác nước ngầm của tỉnh Cà Mau khoảng 6 triệu m3/ngày; trong đó, của tầng I là 0,64 triệu m3/ngày, tầng II là 1,2 triệu m3, tầng III là 1,53 triệu m3, tầng IV là 01 triệu m3, tầng V là 0,9 triệu m3, tầng VI là 0,75 triệu m3. Hiện nay, nuớc ngầm ở tỉnh đang khai thác chủ yếu ở các tầng: II, III và IV (đối với giếng nuớc lẻ của hộ dân chủ yếu khai thác ở tầng II và tầng III). Tuy nhiên, hiện tại nguồn nuớc ở tầng II tại nhiều khu vực trong tỉnh đã bị ô nhiễm nên nguồn nuớc đuợc sử dụng chủ yếu là đuợc khai thác ở tầng III và tầng IV, với độ sâu trung bình từ 180 - 200m, là nuớc ngầm có áp, trữ lượng dồi dào và có chất luợng tốt. Đây là nguồn nuớc sạch quan trọng cho sinh hoạt dân cư và chế biến nông sản, nếu không quản lý khai thác và bảo vệ tốt thì trong tuơng lai Cà Mau sẽ mất đi nguồn tài nguyên quý giá và quan trọng này.
 

Mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp. Ảnh: Huỳnh Lâm.
 

Ngoài ra, qua kết quả thăm dò, tỉnh Cà Mau còn có 3 nguồn nước khoáng. Bao gồm:

- Nguồn nước khoáng thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình: Thuộc lỗ khoan S147, nằm gần ngã ba sông, do Đoàn 804 thi công năm 1996. Nguồn nước khoáng được phát hiện trong lỗ khoan sâu 258m, lưu lượng 23 lít/giây. Kết quả phân tích cho thấy, nước khoáng Thới Bình có thành phần hóa học bicarbonat natri, khoáng hóa thấp, được xếp loại nước khoáng silic, ấm. Hiện nay, nguồn nước khoáng này được khai thác, cấp nước sinh hoạt.
 

Người dân thu hoạch hẹ nước thuộc nhóm cây sống thủy sinh, mọc trong những vùng thường xuyên ngập nước, thích nghi trên vùng đất trũng phèn. Ảnh: Huỳnh Lâm.
 

- Nguồn nước khoáng Cà Mau: thuộc lỗ khoan 215, do Đoàn 802, thuộc Liên đoàn địa chất thủy văn thi công năm 1996, nằm trong khuôn viên trụ sở cũ của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh Cà Mau (phường 2, thành phố Cà Mau). Nước xuất hiện ở lỗ khoan sâu 328m. Kết quả phân tích cho thấy, đây là nước khoáng bicarbonat natri, khoáng hóa thấp đoạn trên và vừa đoạn dưới, được xếp vào loại nước ấm đoạn trên và nước khoáng hóa  ấm đoạn dưới.

- Nguồn nước khoáng Năm Căn: Thuộc lỗ khoan S141, gần trụ sở UBND huyện Năm Căn (địa bàn thị trấn Năm Căn). Nguồn nước được phát hiện ở lỗ khoan sâu 257m, lưu lượng 11 lít/giây, độ hạ thấp mực nước 21,89m. Kết quả phân tích cho thấy, đây là nước khoáng bicarbonat – clorut – sulfat natri, khoáng hóa vừa, được xếp vào nước khoáng hóa ấm. Hiện nay, nguồn nước khoáng này được khai thác, cấp nước sinh hoạt.

NT

Các tin khác

  • (06/10/2022)
  • (05/10/2022)
  • (05/10/2022)
  • (04/10/2022)
  • (24/10/2019)
  • (01/12/2013)
  • (01/12/2013)
  • (01/12/2013)
  • (01/09/2008)
  • Trang đầu 1 Trang cuối