Di tích quốc gia

Địa điểm Làng rừng Vồ Dơi

25/10/2019 08:51:33 AM
Màu chữ Cỡ chữ



Địa điểm Làng rừng Vồ Dơi, thuộc ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Hiện nay, Địa điểm Làng rừng Vồ Dơi đã trở thành Vườn Quốc gia U Minh Hạ và nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.
 


Một góc Làng rừng Vồ Dơi. Ảnh: Huỳnh Lâm.

 
Làng rừng Vồ Dơi được thành lập từ những năm đầu cuối của thập kỷ 50 của thế kỷ 20.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đế quốc Mỹ tăng cường xây dựng bộ máy cai trị tay sai nhằm biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng.

Tại Cà Mau, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng bắt đầu đưa quân đóng lại các đồn bót ở khắp nơi trong tỉnh và dựng lên bộ máy cao trị từ tỉnh đến xã, ấp vốn là vùng giải phóng trước đây để tiến hành bắt bớ, khủng bố những người tham gia kháng chiến, kềm kẹp và đàn áp nhân dân, tiêu tiệt lực lượng cách mạng. Đồng thời, Mỹ - Diệm tăng cường dồn dân vào các “khu dinh điền”, “khu trù mật”, tổ chức kiểm soát dân bằng nhiều hình thức rất gắt gao với mục đích chia tách cán bộ cách mạng và nhân dân “tách cá ra khỏi nước”, làm cho quần chúng xa rời cách mạng, chặn nguồn tiếp tế và cô lập, thủ tiêu lực lượng cán bộ, chiến sĩ của ta. Các “khu trù mật”, “khu dinh điền” do địch dựng lên với hàng trăm điều cấm kỵ, bức ép kềm kẹp đời sống nhân dân, nên khi được chủ trương của Đảng chỉ đường, quần chúng nhân dân hết lòng ủng hộ, họ đã rời làng quê cũ đi vào rừng để lập làng mới hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, đứng lên làm cách mạng. Làng rừng Vồ Dơi được hình thành cùng lúc với các làng rừng khác như: Làng rừng Khánh Bình Tây (rừng tràm); Làng rừng Đồng Ông Nghệ, Làng rừng Huỳnh Ngọc Điệp (rừng đước).
 


Di sản rừng U Minh. Ảnh: Huỳnh Lâm.

 
Làng rừng Vồ Dơi hình thành với hàng trăm ngôi nhà sàn được xây dựng bằng gỗ tràm tập trung theo từng cụm dân cư ở các gò cao trong rừng. Từ chợ muốn vào làng rừng phải qua nhiều kênh rạch. Đến bìa rừng xem như trạm tiếp nhận. Từ đó phải luồn rừng đi bộ 7 – 8 km mới đến được cứ. Đường đi trên những xác lá mục, cây dớn, choại khô rễ đan chằng chịt như một lớp lưới hoặc đi trên những cây cầu bằng gỗ tràm, phía dưới là nước, một màu nước đỏ nhưng ngọt và mát lạnh. Nhà ở trong làng rừng thường có diện tích 20 – 25m2, có nhà đông người thì diện tích 40 – 50m2, được dựng toàn bộ bằng cây tràm, ván tràm, mái lợp bằng vỏ tràm. Để bảo vệ căn cứ, người dân đến những cánh rừng xa, lựa cây tràm lớn và khi khoanh vỏ để lột, chừa lại lớp vỏ mỏng sát thân để cây không bị chết. Khoanh vỏ tràm chiều dài khoảng 0,6 – 0,8m. Khi trải ra, bề rộng khoảng 0,4 – 0,5m, lợp nhà ở được từ 2 - 3 năm. Có những nhà dùng lá cây mật cật (loại lá làm nón) chằm lại thành tấm để lợp và dừng vách. Những nhà làm gấp lợp bằng nilon phía trên phủ lá dớn, choại, ở tạm thời gian ngắn. Những nhà có điều kiện xả ván tràm, mốp… để lót sàn nhà. Từ nhà này sang nhà kia được bắc cầu bằng cây tràm. Bên cạnh mỗi nhà, có một giếng nước uống, giếng nước này không phải đào mà dùng dao chặt hết lớp rễ cây bề mặt khoảng 1m2, vét lá ủ là có nước. Những giếng hơi xa hơn cũng làm tương tự nhưng lớn hơn dùng để tắm giặt. Vào mùa khô đào sâu đến 0,4 – 0,5m để lấy nước. Hầu như không nhà nào có dụng cụ trữ nước như lu, khạp, thùng chứa…

Trong khi bên ngoài Làng rừng, với luật 10/59, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thẳng tay đàn áp những người kháng chiến thì trong làng rừng nhân dân được yên ổn sinh sống, các sinh hoạt diễn ra nhộn nhịp, phấn khởi – đây không chỉ là nơi xây dựng lực lượng mà còn là môi trường rèn luyện ý chí, bản lĩnh cho cán bộ đảng viên. Nhân dân sống đùm bọc, tương trợ lẫn nhau với mối quan hệ đồng chí, đồng bào cùng “chung lưng đấu cật”, hết lòng phục vụ kháng chiến. Những nhà sàn được bố trí theo từng cụm tạo thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc. Người dân dựa vào rừng đánh bắt cá, tôm, chăn nuôi nhỏ và trồng cây lương thực nhằm bảo đảm đời sống đồng thời giữ mối quan hệ với làng xóm cũ để mua sắm những nhu yếu phẩm cần thiết, thỉnh thoảng lại trở về coi sóc nhà, vườn nơi quê cũ, thu hoạch cây trái, thăm viếng người thân.

Về tổ chức của làng rừng, ngoài các yếu tố của làng còn hình thành ban quản lý có người chỉ huy, tổ chức lãnh đạo, tổ chức sinh hoạt, đời sống, bảo vệ, xây dựng thực lực… như chi bộ, các đoàn thể quần chúng, các tổ sản xuất, tổ canh gác, tổ công trường (làm vũ khí), tổ y tế, tổ giáo dục, văn nghệ… Tại làng rừng, tình quân dân là một khối đoàn kết thống nhất, mọi người chỉ nghĩ đến cái chung, vì cái chung, đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết.

Làng rừng tồn tại đến năm 1960, khi phong trào Đồng Khởi được phát động, lực lượng cách mạng của ta trong Làng rừng kết hợp với lực lượng cách mạng bên ngoài đồng loạt tiến công địch, giải phóng nhiều vùng nông thôn trong tỉnh. Sau Đồng khởi, lực lượng vũ trang toả ra và nhân dân trở về quê cũ làm ăn sinh sống, tiếp tục đóng góp cho cách mạng sức người sức của trong giai đoạn mới.

Ngày 20/6/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2325/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích quốc gia đối với Địa điểm Làng rừng Vồ Dơi, thuộc ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
                                

Diễm Phương

Các tin khác

  • (31/03/2020)
  • (23/03/2020)
  • (23/03/2020)
  • (25/10/2019)
  • (25/10/2019)
  • (25/10/2019)
  • (25/10/2019)
  • (25/10/2019)
  • (01/12/2013)
  • (01/12/2013)
  • Trang đầu 12 Trang cuối