Tư liệu lịch sử

Biển - đảo Cà Mau

05/10/2015 02:10:55 PM
Màu chữ Cỡ chữ


Do có vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên phong phú, những đặc thù về sinh thái rừng, biển, khí hậu thuận lợi... tạo cho Cà Mau có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế thủy sản, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, khai thác khí đốt và dầu khí....

 


Một góc đảo Hòn Khoai. Ảnh: Ngọc Thu

 

Tổng quan về biển, đảo Cà Mau


Về biển: Cà Mau có bờ biển dài 254 km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước. Là tỉnh đặc biệt có ba mặt giáp biển chạy từ phía biển Đông sang Vịnh Thái Lan. Phía Đông tiếp giáp với biển Đông (107 km), phía Tây tiếp giáp với Vịnh Thái Lan (147km). Có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tiếp giáp 4 nước trong khu vực như: Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia.

Diện tích vùng biển Cà Mau rộng trên 70.000 km, độ sâu không lớn, trung bình từ 30 đến 40 mét, nơi sâu nhất 80m; trong lòng biển có nhiều loài tôm cá, dưới thềm lục địa có trữ lượng dầu khí và khí đốt rất lớn. Biển Cà Mau có Hòn Đá lẻ là điểm A2 trí trung tâm đường biển trong vùng Đông Nam Á và sát với đường biển Quốc tế, ít chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nên tàu thuyền có thể hoạt động quanh năm trên biển, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Cà Mau có 9 đơn vị hành chính, 8 huyện và một thành phố, thì có 6 huyện ven biển và 23/101 xã, thị trấn tiếp giáp với biển.

Cà Mau có 3 cụm đảo:

+ Cụm đảo Hòn Khoai, gồm 5 đảo nằm gần nhau là: Hòn Khoai, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Khô và Hòn Đá Lẻ; với tổng diện tích khoảng 577ha; trong đó, Hòn Khoai có diện tích lớn nhất khoảng 410 ha, với độ cao so mặt biển khoảng 318m, đặc biệt cụm đảo Hòn Khoai có Hòn Đá Lẻ là điểm A2, là tọa độ cột mốc để xác định đường cơ sở, trên điểm cao nhất của đảo Hòn Khoai có hải đăng được Pháp xây dựng năm 1902, đây là đèn biển để tàu vận tải các nước trên thế giới lấy làm điểm tựa để chuyển hướng sang các nước khác. Hòn Khoai thuộc địa bàn quản lý xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, cách đất liền khoảng 08 hải lý.

+ Cụm đảo Hòn Chuối; gồm Hòn Chuối và Hòn Hàn nằm về phía biển Tây, hai hòn cách nhau khoảng 2 hải lý, cụm đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cách bờ khoảng 17 hải lý, độ cao 165m so với mực nước biển, với 38 hộ dân sinh sống.

+ Cụm đảo Hòn Đá Bạc: Là cụm đảo liền kề 3 đảo nằm sát bờ biển, có tổng diện tích khoảng 14,5 ha gồm: Hòn Ông Ngộ, Hòn Trọi và Hòn Đá Bạc. Trong cụm 3 đảo này, độ cao nhất khoảng 50m so với mực nước biển. Đây là một cụm đảo đẹp và kỳ thú với nhiều nét hoang sơ.

Tiềm năng, lợi thế tài nguyên rừng:

Cà Mau có hệ sinh thái rừng ngập nước với đặc trưng cây đước, cây mắm là chủ yếu ở vùng Mũi Cà Mau và ven biển; đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh trên đất mới bồi tạo nên bãi sinh đẻ và nuôi dưỡng con non các loài thủy, hải sản cho cả một vùng rộng lớn - Vịnh Thái Lan. Đặc biệt, nơi đây còn bảo tồn khu rừng đước nguyên sinh, hệ động - thực vật đa dạng phong phú với nhiều loại chim, thú quý hiếm được ghi vào sách đỏ thế giới như: Khỉ đuôi dài, Cà khu, Cò chân xám, Bồ nông, Giang sen, quắm trắng ... các loài bò sát như: kỳ đà hoa, trăn mốc, trăn gấm, rắn lục... Dưới nước là cả một quần thể các loài thủy sinh phong phú và nhiều loài tôm cá như: cá đối, các bống, tôm thẻ,... Đặc biệt, ven biển Cà Mau, có vùng đất ngập nước Mũi Cà Mau đã được Chính phủ công nhận là nơi có tầm quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử và bảo vệ an ninh quốc phòng. Nơi đây, ngày 26/5/2009, được UNESCO công nhận nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới và ngày 13/12/2012 Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cà Mau không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế mà còn tạo môi trường sinh thái trong lành, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Do có vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên phong phú, những đặc thù về sinh thái rừng, biển, khí hậu thuận lợi... tạo cho Cà Mau có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế thủy sản, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, khai thác khí đốt và dầu khí....

 

NT

Các tin khác

  • (27/10/2019)
  • (27/10/2019)
  • (27/10/2019)
  • (27/10/2019)
  • (27/10/2019)
  • (27/10/2019)
  • (22/05/2018)
  • (16/03/2018)
  • (15/03/2018)
  • (14/03/2018)
  • Trang đầu 12345678910... Trang cuối

Tin vắn