Chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trong lĩnh vực nuôi tôm siêu thâm canh
Thực trạng sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau
Tuy nông nghiệp phát triển, nhưng thu nhập, đời sống của nông dân và những người làm nông nghiệp vẫn còn thấp. Nguyên nhân chính là sản xuất hiệu quả chưa cao, dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường; các hình thức liên kết trong sản xuất thiếu tính ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn ở dạng mô hình; hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đầu tư kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong điều kiện bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Các mô hình sản xuất có hiệu quả cần được tập trung nhân rộng. Ảnh: Ngọc Thu.
Thời gian gần đây tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp theo hướng bất lợi gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp; đồng thời, môi trường, dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhất là thời điểm giao mùa, mưa trái vụ, sự biến đổi của thời tiết thất thường, khó lường đã tác động mạnh hơn so với các năm trước, mặc khác chi phí vật tư đầu vào (con giống, phân bón, thuốc thú y thủy sản, thức ăn...) vẫn luôn biến động, sản phẩm làm ra không ổn định về giá đã tác động không nhỏ đến sản xuất… Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương đã giúp phần nào cho ngành nông nghiệp vượt qua mọi khó khăn, thách thức; đồng thời, thường xuyên theo dõi, phát hiện, đúc kết những mô hình tự phát của nông dân, doanh nghiệp đã triển khai có hiệu quả, qua đó đã hoàn thiện lại quy trình phù hợp, đạt hiệu quả cao và nhân rộng trong thời gian tới.
Một số kết quả công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ và nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong thời gian qua:
Giai đoạn đầu năm 2016 đến nay, tỉnh Cà Mau tập trung cho công tác tuyên truyền nhằm chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã in ấn phát hành tài liệu kỹ thuật 12.000 cuốn; tuyên truyền trên sóng phát thanh truyền hình10 kỳ chuyên đề kinh tế thủy sản; tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trên 100 lớp, có 3.000 người tham dự; tư vấn kỹ thuật cho nông dân 30 lớp, có 900 người tham dự; thực hiện 100 bản tin “Thời tiết nông vụ”; hội nghị, hội thảo nhân rộng mô hình 20 cuộc, có 2.175 lượt người tham dự. Phối hợp với chi nhánh tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) thực hiện triển khai sim khuyến nông; bà con nhận tin nhắn từ Trung tâm Khuyến nông. Trung bình 1 số thuê bao nhận 5-10 tin nhắn tư vấn cho bà con nhằm tuyên truyền hướng dẫn nông dân những kỹ thuật sản xuất mới cũng như một số mô hình sản xuất có hiệu quả, công tác dự báo tình hình dịch bệnh, khuyến cáo thời vụ, thông tin thị trường... tổ chức 10 cuộc tham quan trong và ngoài tỉnh để học tập kinh nghiệm với 300 người tham gia.
Trong công tác xây dựng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đến nay đã thực hiện 3 ha – 11điểm tại các huyện và thành phố Cà Mau, năng suất từ 30 – 40 tấn/ha. Hiện nay, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, mang lại lợi nhuận cao, đặc biệt rất phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, có nhiều khả năng nhân rộng cho các hộ có điều kiện. Mô hình này đang cho kết quả đột phá về sản lượng, là hướng đi tốt cho nghề nuôi tôm của tỉnh.
Đánh giá kết quả thực hiện
Những mặt làm được:
Khoa học kỹ thuật đã và đang góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế xã hội. Những kết quả hoạt động chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong thời gian qua đạt được một số kết quả nhất định đó là nhờ sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo chặt chẽ, kỳ quyết của lãnh đạo Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự phối kết hợp giữa các ban ngành liên quan, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các chương trình dự án trong và ngoài nước. Qua đó, đã giúp bà con nông dân ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất, tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, xây dựng các vùng nông thôn ngày càng phát triển.
Từ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, đã tạo ra hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Việc tập huấn, chuyển giao công nghệ và nhân rộng các mô hình khuyến nông đã giúp nông dân định hướng sản xuất, ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất ngày càng hiệu quả hơn, góp phần tăng thu nhập, giảm thiểu những rủi ro. Trình độ sản xuất của nông dân tăng lên thể hiện rõ qua năng suất tôm nuôi bình quân từ 30 - 40 tấn/ha/vụ năm 2016 đến nay tăng lên 60 tấn/ha/vụ. Cơ bản đến thời điểm hiện nay có trên 80% số hộ nuôi tôm, đã nắm vững quy trình kỹ thuật nuôi tôm siêu thâm canh qua các lớp tập huấn khuyến nông.
Từ hiệu quả của các mô hình đã tác động đến sản xuất thông qua phong trào chuyển đổi nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh rồi lên nuôi tôm siêu thâm canh được nông dân quan tâm. Cụ thể năm 2016 diện tích nuôi tôm siêu thâm can 172 ha, cuối năm 2017 diện tích gần 1.000 ha và đến thời điểm hiện nay diện tích này đã lên đến 1.600 ha. Từ kết quả đó, giúp nông dân nâng cao năng suất, nâng cao lợi nhuận. Về phong trào nuôi tôm siêu thâm canh đã có sự chuyển biến tích cực sản lượng không ngừng nâng cao.
Những mặt còn hạn chế, khó khăn
Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tuy có phát triển hơn so với trước đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Chưa có doanh nghiệp bao tiêu, tôm nguyên liệu làm ra vẫn chủ yếu bán cho thương lái, giá cả còn bấp bên, cụ thể như thời điểm hiện nay giá tôm nguyên liệu xuống thấp nên bà con phần nào khó khăn; trong khi đó giá tôm giống, thức ăn, vật tư thủy sản lại tăng.
Năng lực chuyên môn của một số cán bộ khuyến nông tuy có nâng lên nhưng chưa qua trải nghiệm thực tế nhiều, nên công tác nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đôi khi còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ đó, đôi lúc chưa xây dựng kịp thời những mô hình phù hợp, hiệu quả trước những diễn biết bất lợi về thời tiết, môi trường, dịch bệnh trong thời gian qua.
Đối với mô hình sản xuất siêu thâm canh cần kinh phí đầu tư cao nhưng năng lực tài chính của nông dân còn hạn chế, nên chưa phát triển tốt được mô hình này. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận chuyển giao, tổ chức quản lý của người dân ở mức độ nhất định nên gặp nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình sản xuất.
Trong công tác tổ chức lại sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, trang trại còn hạn chế. Đã qua trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa phối hợp đồng bộ giữa các ngành và địa phương; trình độ quản lý, kinh phí hoạt động, vốn đầu tư cho sản xuất của các hợp tác xã, tổ hợp tác chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa hình thành được các tổ chức kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả điển hình nhiều; sự hỗ trợ, liên kết “4 nhà” trong sản xuất còn hạn chế. Từ đó, việc tiếp nhận, chuyển giao và nhân rộng gặp không ít khó khăn.
Các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương chưa phát huy tốt vai trò quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương và công tác nhân rộng cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Trong công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn thiếu chủ động, bà con nông dân một số nơi còn làm theo tập quán truyền thống cũ, chưa áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Công tác xây dựng hạ tầng sản xuất của đa số bà con nông dân còn chưa phục vụ được điều kiện sản xuất, còn trông chờ ỷ lại công tác xây dựng hạ tầng sản xuất từ Nhà nước. Công tác quản lý quy hoạch sản xuất còn nhiều hạn chế: Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính bền vững. Phương án quy hoạch chưa dự báo sát tình hình thực tế, còn mang nặng tính chủ quan.
Nông nghiệp tăng trưởng thiếu bền vững, cạnh tranh thấp; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch chậm. Đầu t¬ư phát triển cơ sở hạ tầng chư¬a đáp ứng đ¬ược yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao; đời sống một bộ phận nông dân còn chậm được cải thiện. Môi trường ngày càng ô nhiễm gây tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất.
Nguyên nhân hạn chế, khó khăn:
Tình hình biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng nhiều; thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; sản xuất hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún; ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao; việc đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất chưa kịp thời và chưa đáp ứng được yêu cầu.
Công tác quy hoạch chưa sát với thực tiễn, chưa đồng bộ, việc quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ và chậm điều chỉnh theo nhu cầu phát triển sản xuất của từng giai đoạn dẫn đến khó khăn trong quản lý, chỉ đạo sản xuất. Cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp chưa có bước đột phá, chậm được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong nội bộ ngành cũng như ở các địa phương còn nhiều vấn đề bất cập, công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương chưa được gắn kết chặt chẽ.
Đầu tư nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn chậm; chưa xây dựng và triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất kinh tế tập thể quy mô lớn để tạo ra vùng nguyên liệu tập trung; chưa phát huy được tính cộng đồng trong quản lý nên sản xuất còn nhỏ lẻ. Một phần do trình độ nhận thức của nông dân còn hạn chế, một phần do sự chỉ đạo chưa quyết liệt của cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn.
Các giải pháp đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ và nhân rộng các mô hình sản xuất trong thời gian tới
Có thể nói, quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người nông dân đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn cuộc sống; góp phần phát triển kinh tế hộ, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, để đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ và nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Tiếp tục củng cố, sắp xếp lại bộ máy hoạt động của hệ thống khuyến nông theo hướng tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, các sản phẩm chủ lực phục vụ trực tiếp, các tiến bộ kỹ thuật có khả năng bức phá và có sức lan tỏa mạnh, chuyển giao đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cần tập trung vào phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tập trung vào các dự án khuyến nông sản xuất theo quy trình GAP, khuyến nông công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiếp tục tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, chất lượng nguồn nhân lực trong nuôi tôm siêu thâm canh để đảm bảo tính bền vững của hoạt động khuyến nông và góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ và nhân rộng mô hình, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Cần có sự phối hợp trong các chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, quy hoạch vùng sản xuất, phát triển theo hướng bền vững, toàn diện, có cơ cấu kinh tế phù hợp, có các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, sản xuất hàng hóa có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.
Đẩy mạnh xã hội hóa việc chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất dưới các hình thức đa dạng như: Phổ biến kinh nghiệm của những người sản xuất giỏi ở địa phương; các tổ chức đoàn thể ở nông thôn (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh...) lồng ghép việc phổ biến, tuyên truyền khoa học kỹ thuật có khả năng phát triển kinh tế ở địa phương.
Đầu tư nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng và triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất kinh tế tập thể quy mô lớn để tạo ra vùng nguyên liệu tập trung; phát huy được tính cộng đồng trong quản lý nền sản xuất còn nhỏ lẻ. Trình độ nhận thức của nông dân cần được nâng cao, cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn. Thực hiện tốt các hướng dẫn của Bộ, ngành và địa phương về nuôi tôm siêu thâm canh, ổn định giá cả đầu vào và đầu ra để bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Đề xuất, kiến nghị
Các ngành, Hội Nông dân, Hội Thủy sản, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp hội huyện, TP. Cà Mau, xã, phường, thị trấn tiếp tục tăng cường phối hợp, tuyên truyền, vận động nông dân đăng ký và thực hiện tốt kế hoạch sản xuất của từng địa phương.
UBND các huyện và TP. Cà Mau chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế TP. Cà Mau, Hội đoàn thể cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường phối hợp tốt với Trung tâm Khuyến nông tổ chức triển khai kế hoạch nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả năm 2018.
Tin vắn
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đôn đốc thực hiện Chiến dịch “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh” (giai đoạn 1).
- Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách.
- Hưởng ứng ngày Đại dương thế giới (ngày 08/6/2023) với chủ đề “Hành tinh đại dương: Thủy triều đang thay đổi” (Planet Ocean: Tides are Changing).
- Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam diễn ra từ ngày 01 - 08/6/2023, với chủ đề “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo”.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
- Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành kế hoạch phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
- Tỉnh Cà Mau phấn đấu cải thiện ít nhất 05 bậc chỉ số cải cách hành chính, cải thiện chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính trong năm 2023.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương không khuyến khích, mời gọi đầu tư nhà máy điện sinh khối mà nguyên nhân gây phát thải khí nhà kính.
- Ngày Môi trường thế giới 05/6/2023, có chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, triển khai chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” và “Tháng hành động vì môi trường”.