Chú Tống Văn Muội – Thành công từ mô hình sản xuất luân canh
Những năm qua, nhiều nông dân ở vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu ngay trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Trong đó, mô hình sản xuất luân canh của gia đình chú Tống Văn Muội, ở ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời là một điển hình.
Chú Tống đang thu hoạch hoa màu.
Gần 10 năm trở về trước, gia đình chú Tống Văn Muội, ở ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, vất vả. Với gần 01 ha đất, mỗi năm gia đình chú trồng 2 vụ lúa, với năng suất đạt thấp. Trong khi đó, sau khi thu hoạch, lúa bị tư thương ép giá, đầu ra của sản phẩm gặp nhiều khó khăn, không ổn định, thu nhập bình quân mỗi năm chỉ hơn 10 triệu đồng trên năm. Không cam chịu với cái nghèo, chú Tống Văn Muội đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo mô hình luân canh, phù hợp với từng thời điểm. Lúc đầu, chú Muội tận dụng bờ liếp, bờ bao sẵn có của gia đình rồi cải tạo, phát dọn cỏ dại để trồng các loại hoa màu như bầu, bí, mướp, dưa leo, cà chua… Mấy cái ao xung quanh nhà, chú tận dụng diện tích mặt nước để kết hợp nuôi cá tai tượng, cá tra, cá mè… Từ mô hình này, sau khi thu hoạch và trừ chi phí, mỗi năm gia đình chú Muội có lợi nhuận trên 80 triệu đồng.
Mô hình trồng hoa màu luân canh của chú Muội là một trong những mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tiêu biểu của địa phương.
Thấy mô hình trồng màu luân canh, kết hợp với nuôi cá đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2019, chú Muội mở rộng thêm diện tích trồng màu. Ông đầu tư vốn lên liếp gần 01 ha đất ruộng, với diện tích đất mặt liếp trên 5.000 m². Sau khi hoàn thành việc lên liếp, mở rộng diện tích trồng, chú Muội chọn những giống hoa màu có thời gian thu hoạch ngắn ngày, dễ tìm đầu ra như: cà chua, khổ qua, dưa leo, bầu, mướp… để trồng xoay vòng 4 vụ trong năm. Ngoài ra, chú còn trồng xen canh thêm bí đao, dưa gang theo giữa bờ liếp. Còn dưới ao, chú tiếp tục tiếp tục thả nuôi các loại cá đồng như cá lóc, thác lác, cá rô… Chú Muội cho biết: “Tùy theo từng loại hoa màu mà tôi có kỹ thuật và kinh nghiệm riêng để trồng cho đạt năng suất cao và được giá. Đối với việc lên liếp nó đóng vai trò quan trọng. Việc thiết kế bờ bao phải đảm bảo cho khâu điều tiết nước. Vào mùa mưa đáp ứng được yêu cầu bơm thoát nước để chống úng, mùa khô thì bơm nước vào để giữ được độ ẩm và cung cấp nước cho hoa màu. Về độ cao thấp, chiều rộng của mặt liếp, khoảng cách giữa các ao để thả giàn phải phù hợp, cho hoa màu đủ nước, đủ không gian phát triển và không hao hụt khi bón phân. Trong mỗi vụ trồng phải chọn giống thích hợp cho từng mùa mưa, nắng trong năm. Trong sản xuất, tôi luôn theo dõi nhu cầu của thị trường, giá các loại nông sản để chọn giống và thời điểm xuống giống các loại hoa màu nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá”.
Nhờ thực hiện mô hình sản xuất luân canh mà gia đình chú Tống đã thoát nghèo và vươn lên khá giàu.
Thời điểm xuống giống hoa màu được chú Muội nhiều năm qua thực hiện thường trước hoặc sau khi những hộ trồng hoa màu trong khu vực xuống giống. Với cách làm này, chú Muội sẽ thu hoạch hoa màu trước hoặc sau các hộ khác. Lúc này, hoa màu thường khan hiếm, hút hàng nên bán được giá cao hơn so với mùa thuận. Nhờ chọn thời điểm xuống giống hoa màu nghịch mùa 4 vụ trong năm 2022, sau trừ các khoản chi phí, chú Muội có lãi trên 200 triệu đồng. Riêng vụ khổ qua và bí đao mùa khô 2023 mới đây, chú lãi trên 50 triệu đồng. Ngoài hoa màu, chú Muội còn thu nhập từ các loại cá được từ 4 – 6 triệu đồng/năm. Sau nhiều năm tích lũy, vợ chồng ông Muội đã xây dựng được căn nhà khang trang, trị giá gần 1 tỷ đồng.
Hoa màu vừa được chú Tống thu hoạch và chuẩn bị bán cho thương lái.
Ngoài việc cần cù, siêng năng trong lao động, thực hiện thành công mô hình sản xuất luân canh và tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, chú còn là một hội viên nông dân. Nhiều năm qua, chú Muội luôn thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú, gương mẫu, đi đầu trong xây dựng gia đình văn hóa, giữ mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, tương trợ giúp đỡ nhau về kỹ thuật, giống, bán chịu phân, thuốc, cho mượn tiền không tín lãi hàng năm từ 60 – 100 triệu đồng. Mấy nắm gần đây, chú vận động được từ 4 - 5 hộ dân lân cận tham gia vào Tổ dần đổi công với nhau, từ đó tạo ra phong trào thi đua lao động, sản xuất, trồng màu luân canh rộng khắp trên địa bàn ấp.
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hưng Trần Hữu Trí, cho biết: Mô hình trồng hoa màu luân canh, kết hợp với nuôi cá của chú Tống Văn Muội là một trong những mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tiêu biểu của địa phương. Mô hình này đã được nhiều hộ dân học hỏi, làm theo và đạt hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, giúp nhiều hộ nông dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và góp phần giúp xã Khánh Hưng sớm hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.
Tin vắn
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chấn chỉnh trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
- Sự kiện ngày Chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2023 được tổ chức trong 2 ngày 9 và 10/10, với chủ đề “khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”.
- Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành kế hoạch lập Đề án xây dựng thành phố Cà Mau thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành.
- Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký quyết định phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện năm 2024.
- Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Cà Mau (CamaUP’23) được tổ chức trong 02 ngày 25 - 26/10/2023, tại Khách sạn Mường Thanh Cà Mau.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.
- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương tăng cường quản lý an toàn sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh và dịch vụ.