Kinh tế

Bánh phồng tôm Cái Bát - Sản phẩm OCOP 3 sao

21/03/2023 09:50:03 AM
Màu chữ Cỡ chữ

Với mong muốn nâng cao giá trị gia tăng, khai thác tốt lợi thế nguồn tôm sú nguyên liệu tại địa phương nhằm góp phần thực hiện thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh, chú Nguyễn Hoàng Ân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Chế biến, Dịch vụ - Thương mại - Nuôi trồng thủy sản Cái Bát (HTX Cái Bát), ấp Cái Bát, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước đã phát triển thành công sản phẩm bánh phồng tôm và được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2021.
 

Chú Nguyễn Hoàng Ân với sản phẩm bánh phồng tôm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
 

Chú Ân cho biết: “Ý tưởng sản xuất bánh phồng tôm đến với tôi rất tình cờ, xuất phát từ chính những người tiêu dùng sản phẩm. Ngày đó, có một số anh chị liên hệ HTX Cái Bát thực hiện một dự án phi chính phủ, tôi có mua bánh phồng tôm ở địa phương để đãi. Sau đó, các anh chị ấy đã động viên tôi sản xuất bánh phồng tôm. Khi tìm hiểu, tôi mới thấy làm bánh phồng tôm không khó, nhất là sẵn có nguồn tôm tươi ở địa phương mình. Từ đó, tôi với “bà xã” đã tham khảo trên mạng internet và học hỏi từ cách làm của bà con ở địa phương để làm bánh. Qua thời gian nghiên cứu, điều chỉnh cách làm, tôi đã chế biến thành công sản phẩm bánh phồng tôm với hương vị thơm ngon, được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận. Được sự hỗ trợ hướng dẫn của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, tôi đã làm hồ sơ đăng ký tham gia và được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh công nhận đạt 03 sao năm 2021”.

Để có được bánh phồng tôm đạt chất lượng, chú Ân đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu các phương pháp, kỹ thuật làm bánh sao để hương vị bánh được thơm ngon nhất và mang đặc trưng riêng của HTX. Các nguyên liệu đều được lựa chọn kỹ càng, từ bột, trứng, gia vị và quan trọng nhất là tôm. Tôm được chọn làm bánh phải là tôm sú tươi, được thu mua từ các thành viên của HTX với giá dao động khoảng 130 ngàn đồng/kg. Tôm sau khi sơ chế sạch được trộn cùng với trứng và gia vị cho vừa ăn và cho vào máy xay nhuyễn, sau đó trộn với bột năn theo tỷ lệ phù hợp. Tiếp theo là công đoạn tráng bánh, phơi bánh, cắt miếng và đem phơi nắng, cuối cùng là đóng gói thành phẩm. Điểm đặc biệt của bánh phồng tôm HTX Cái Bát là công đoạn tráng bánh được làm hoàn toàn thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của các chị em thợ lành nghề tại địa phương và nhất là sản phẩm không sử dụng chất phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản nên đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
 

Bánh phồng tôm của HTX Cái Bát được sản xuất theo phương pháp truyền thống.
 

Chú Ân cho biết thêm: “Ban đầu, khi mới bắt đầu mình chỉ làm số lượng ít để tiêu dùng ở nhà, đãi khách và làm quà tặng cho anh em, bạn bè. Nhờ sản phẩm đạt chất lượng nên các anh em, bạn bè giới thiệu, quảng bá. Hiện nay, sản phẩm đã có mặt trên thị trường từ Nam ra Bắc, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì hương vị thơm ngon, tỷ lệ tôm chế biến đủ, đúng theo tỷ lệ công bố trên bao bì sản phẩm là 40% tôm. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển sản phẩm, phấn đấu để nâng hạng lên 4 sao. Đây sẽ là điều kiện để chúng tôi nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển hệ thống phân phối từ Nam ra Bắc, nhất là ở các tỉnh, thành lớn”.

Trung bình mỗi tháng HTX Cái Bát cung ứng ra thị trường khoảng 400kg bánh phồng tôm thành phẩm. Những tháng cận Tết Nguyên đán thì lượng tiêu thụ tăng lên nhiều hơn so với ngày thường, dao động hơn 1 tấn bánh phồng tôm mỗi tháng. Hiện tại, bánh phồng tôm của HTX Cái Bát được đóng hộp theo quy cách 500g, với giá bán 85 ngàn đồng cho đại lý và 100 ngàn đồng khi bán lẻ cho người tiêu dùng.
 

Nghề sản xuất bánh phồng tôm của HTX Cái Bát giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương.


Ngoài tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình cho các hội viên, phát triển kinh tế địa phương, đóng góp tích cực vào việc thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP), nghề làm bánh phồng tôm của HTX Cái Bát còn giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 180 - 200 ngàn đồng/người/ngày. Chị Hồ Mỹ Thanh, ngụ ấp Cái Bát, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước là người phụ trách công đoạn phơi bánh của HTX Cái Bát cho biết: “Tôi đã làm công cho HTX Cái Bát hơn 2 năm nay. Mỗi ngày làm việc khoảng 8 tiếng, cho thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 3 triệu đồng. Nhờ làm việc tại HTX Cái Bát mà tôi có đồng ra đồng vô, tuy không nhiều nhưng cũng góp phần trang trải cuộc sống, cải thiện kinh tế cho gia đình”.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước Đinh Văn Hơn cho biết: “Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương phát triển, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai chương trình đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã. Đối với sản phẩm bánh phồng tôm của HTX Cái Bát, thời gian qua UBND xã đã hỗ trợ, hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP; liên hệ với các ngành chức năng, các cơ quan chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật, cũng như ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn sản xuất kinh doanh cho HTX và các hội viên của HTX. Nhằm phát triển bền vững sản phẩm, UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp cùng với HTX Cái Bát khắc phục các chỉ tiêu, tiêu chí có thang điểm trung bình và thấp để nâng điểm sản phẩm, nhằm nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao. Đồng thời, hỗ trợ tham gia các sàn giao dịch điện tử để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm,… hướng đến phát triển bền vững các sản phẩm trong thời gian tới.
 

Sản phẩm Bánh phồng tôm của HTX Cái Bát tham gia hội chợ xúc tiến thương mại.
 

Hy vọng rằng, bánh phồng tôm của HTX Cái Bát sẽ ngày càng khẳng định được thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ, qua đó tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân, xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện thành công Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

Mỹ Trân

Các tin khác

  • (06/06/2023)
  • (05/06/2023)
  • (05/06/2023)
  • (03/06/2023)
  • (02/06/2023)
  • (01/06/2023)
  • (01/06/2023)
  • (31/05/2023)
  • (30/05/2023)
  • (30/05/2023)
  • Trang đầu 12345678910... Trang cuối

Tin vắn