Công nghiệp
Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt tốc độ khá cao, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Công nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau. Ảnh: Tấn Điệp.
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh hiện có 5.534 cơ sở sản xuất công nghiệp, tăng 2.589 cơ sở so với năm 1997 (năm tái lập tỉnh).
Những năm qua, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thực hiện hoàn thành chương trình điện khí hóa nông thôn. Năm 2009, đã đưa điện về đến 100% các ấp, khóm trong tỉnh. Hoạt động cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được đảm bảo ổn định, liên tục; công tác vận hành lưới điện được bảo đảm, an toàn; hệ thống lưới điện nông thôn được ưu tiên đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới về điện nông thôn. Đến năm 2022, tỷ lệ số hộ sử dụng lưới điện quốc gia đạt 99,97% tổng số hộ toàn tỉnh.
Công nghiệp chế biến của tỉnh chủ yếu là chế biến thủy hải sản. Trong những năm gần đây, các nhà máy chế biến thủy sản đã được đầu tư đổi mới công nghệ, tăng công suất chế biến, nâng cao chất lượng. Sản phẩm ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới. Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy chế biến đã tiếp cận được những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc, EU… Giai đoạn 2015 – 2020, sản lượng chế biến hàng thủy sản xuất khẩu của tỉnh đạt 700.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5,6 tỷ USD. Cà Mau tiếp tục là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về xuất khẩu mặt hàng tôm; kinh tế biển phát triển mạnh.
Giai đoạn 2015 – 2020, sản lượng chế biến hàng thủy sản xuất khẩu của tỉnh đạt 700.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5,6 tỷ USD.
Bên cạnh các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống như chế biến thủy sản, lương thực, làm đồ gỗ, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền... tỉnh Cà Mau còn đẩy mạnh chương trình khuyến công nhằm phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp nông thôn và tận dụng nguyên liệu từ sản xuất nông – lâm nghiệp.
Những năm qua, lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm cơ hội đầu tư khai thác. Đến nay, có 14 dự án điện gió đã được cấp chủ trương đầu tư tổng công suất 800MW và 02 dự án được bổ sung quy hoạch tổng công suất 200MW đang thực hiện các thủ tục cấp chủ trương đầu tư. Trong đó, có 03 dự án được đưa vào vận hành thương mại bao gồm: Nhà máy điện gió Tân Ân 1 – giai đoạn 1, công suất 25MW; Nhà máy điện gió Tân Thuận – giai đoạn 1, công suất 25MW; Nhà máy điện gió Tân Thuận – giai đoạn 2, công suất 50MW. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có dự án điện mặt trời nối lưới, nhưng các năm gần đây trên địa bàn tỉnh có 1.229 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 111.579 kWp. Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhà của các hộ dân giúp tiết kiệm chi phí, giảm bớt quá tải cho ngành điện, góp phần bổ sung sản lượng vào lưới điện sản xuất.
Lĩnh vực năng lượng tái tạo được tỉnh quan tâm thu hút đầu tư phát triển, đặc biệt là điện gió.
Tỉnh Cà Mau còn chú trọng đẩy mạnh phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Tỉnh đã và đang quy hoạch xây dựng, thu hút đầu tư vào 03 KCN và 01 KKT. Cụ thể: KCN Khánh An, KCN Hòa Trung, KCN Sông Đốc phía Nam và KKT Năm Căn. KKT Năm Căn gắn với Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được xem là đầu mối giao thương quốc tế của tỉnh Cà Mau và Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, còn có Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau, với 2 nhà máy điện, công suất 1.500 MW và một nhà máy đạm công suất 800 ngàn tấn/năm, đã đi vào hoạt động không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội chung cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2011 - 2020, mục tiêu đến 2020 thành lập 14 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 545 ha. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện và đầu tư phát triển, đã có một số điều chỉnh so với định hướng quy hoạch ban đầu. Cụ thể, đến năm 2022, theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn lại 13 CCN, với tổng diện tích 518,27 ha. Trong đó, 05 CCN đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng bao gồm: CCN phường 8 và CCN Hòa Thành, thành phố Cà Mau, CCN Có Mùi xã Phong Điền (huyện Trần Văn Thời), CCN Có Mùi xã Lâm Hải (huyện Năm Căn) và CCN Tân Thuận (huyện Đầm Dơi). Đã có 02 CCN đang hoạt động gồm CCN phường 8 và CCN Hòa Thành, thành phố Cà Mau. Qua đó, góp phần thu hút các nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết việc làm tại địa phương… và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.
Thời gian qua, Cà Mau cũng tích cực tham xây dựng vùng tam giác phát triển Cần Thơ – Cà Mau – Kiên Giang, góp phần phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong những năm tới. Hiện nay, ngoài việc áp dụng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư theo quy định chung của Nhà nước, tỉnh Cà Mau còn có một số cơ chế và chính sách riêng của địa phương nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào Cà Mau như công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, ưu đãi về vay vốn kinh doanh, ưu tiên chọn mặt bằng cùng nhiều ưu đãi khác; chính sách đầu tư công bằng, minh bạch.