Kinh tế

Hướng dẫn lịch thời vụ xuống giống và cơ cấu giống lúa cho sản xuất vụ hè thu năm 2023

17/03/2023 02:29:56 PM
Màu chữ Cỡ chữ

Để chủ động mùa vụ sản xuất lúa hè thu, hạn chế rủi ro diễn biến thời tiết và dịch bệnh trên lúa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa thông báo hướng dẫn lịch thời vụ xuống giống và cơ cấu giống lúa cho sản xuất vụ hè thu năm 2023.
 

Nông dân cần chủ động trong khâu cày ải chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu.
 

Cụ thể theo lịch thời vụ, xuống giống đợt 1: Thời gian gieo sạ vào giữa tháng 4 dương lịch đến cuối tháng 4 dương lịch trước khi mùa mưa thật sự bắt đầu để có thể thu hoạch vào thời điểm từ cuối tháng 7/2023 giữa tháng 8.

Phương pháp gieo sạ: Áp dụng sạ khô (hạt giống khô không ngâm ủ) hoặc sạ gác cải tiến (hạt giống ngâm nứt nanh đem gieo sạ). Bố trí xuống giống gieo sạ ở những vùng đất gò cao, đất phải được cày ải, cày giòn, ít cỏ dại, ít nhiễm phèn, mặn, thoát nước tốt vào đầu mùa mưa. Các vùng được thu hoạch sớm vụ lúa đông xuân 2022 – 2023 đất đã được cày ải, cày giòn đảm bảo khâu làm đất có thể xuống giống.

Địa bàn xuống giống: Tập trung tại xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc (huyện Thới Bình); một số ấp thuộc xã Khánh Lâm, Khánh Hội (huyện U Minh), một số ấp thuộc xã Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), một số ấp thuộc thuộc xã Tân Thành, An Xuyên, Lý Văn Lâm, phường Tân Thành (thành phố Cà Mau).

Xuống giống đợt 2: Thời gian gieo sạ từ đầu tháng 5 dương lịch đến giữa tháng 5 dương lịch để có thể thu hoạch thời điểm từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 8/2023. Phương pháp gieo sạ: Áp dụng sạ gác (rút khô nước trên ruộng, hạt giống ngâm, ủ bình thường đem gieo sạ) hoặc sạ gác cải tiến (hạt giống ngầm nứt nanh đem gieo sạ). Bố trí xuống giống gieo sạ ở những vùng đất trung bình, trũng thấp, đất phải được cải tạo làm đất (cày ải, cày giòn, cày nước, trục trang bằng mặt ruộng), vệ sinh đồng ruộng (dọn sạch cỏ bờ, cỏ ruộng).

Địa bàn xuống giống tập trung xã Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Lộc, thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời); xã Nguyễn Phích, (huyện U Minh) và diện tích còn lại chưa gieo sạ trong đợt 1 thuộc các xã Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời); diện tích còn lại chưa gieo sạ trong đợt 1 thuộc các xã Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Hội, (huyện U Minh); diện tích còn lại chưa gieo sạ trong đợt 1 thuộc các xã An Xuyên, Lý Văn Lâm, (thành phố Cà Mau).

Trong đó, cày ải là khâu rất quan trọng nhất trong vụ hè thu, giúp cải tạo phèn, mặn, hạn chế sâu bệnh, cỏ dại, trả lại dinh dưỡng cho đất, làm cho đất tơi xốp, giúp rễ lúa bám sâu, hạn chế đổ ngã. Cần tranh thủ thời tiết nắng, nếu đủ điều kiện nên tiến hành cảy ải phơi đất hoặc cày giòn. Đối với những vùng bị nhiễm phèn, những vùng không cày ải hoặc cày giòn được phải áp dụng biện pháp cải tạo đất bằng việc tăng cường sử dụng vôi, phân lân, các hợp chất (Humic, Fulvic ...). Những vùng không đảm bảo điều kiện xuống giống trong đợt 1 (không làm đất kịp hoặc thời tiết diễn biến phức tạp...) chuyển sang xuống giống ở đợt 2, những ruộng chưa đủ nước nên chủ động bơm nước trên kinh rạch vào ruộng để làm đất trước khi gieo sạ nhằm hạn chế thiệt hại.

Cơ cấu giống lúa: Chọn giống lúa nhóm A đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận, giống chống chịu sâu bệnh, phèn mặn, năng suất chất lượng cao, phù hợp điều kiện canh tác địa phương đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Có thể chọn một trong số các giống lúa sau: Nhóm giống lúa chất lượng cao: OM18, OM5451, OM6162, ... bố trí sản xuất diện rộng khoảng 70 – 75% diện tích.

Nhóm giống lúa thơm đặc sản gồm các giống lúa đặc sản ST24, ST25, đài thơm 8,...bố trí sản xuất khoảng 10 - 15% diện tích. Nhóm giống lúa chất lượng trung bình: OM576 (hầm trâu, siêu hầm trâu), OM2517, OM6976,... bố trí sản xuất diện hẹp khoảng 10% diện tích. Ngoài ra, có thể gieo sạ một số giống lúa triển vọng khác như: OM 429, OM 8959, hương châu 6,… nhưng bố trí sản xuất quy mô diện tích nhỏ để đánh giá năng suất, chất lượng, tính thích nghi, thích ứng trước khi sản xuất đại trà.

Lưu ý: Vụ hè thu cần chọn những giống lúa cứng cây, ít đổ ngã, chống chịu tốt với sâu bệnh, gieo sạ mật độ thưa, hợp lý theo khuyến cáo, tránh gieo sạ dày lúa dễ bị đổ ngã. Đối với nhóm giống lúa thơm đặc sản (ST24, ST25, đài thơm 8) cần bố trí sản xuất tập trung thành vùng nguyên liệu để thuận lợi cho việc liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Trúc Đào

Các tin khác

  • (27/09/2023)
  • (26/09/2023)
  • (25/09/2023)
  • (25/09/2023)
  • (25/09/2023)
  • (25/09/2023)
  • (23/09/2023)
  • (22/09/2023)
  • (22/09/2023)
  • (22/09/2023)
  • Trang đầu 12345678910... Trang cuối

Tin vắn